KỸ NĂNG ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CHUYÊN VIÊN MUA HÀNG
Để trở thành một chuyên viên mua hàng thành công không phải là một điều dễ dàng. Vị trí này đòi hỏi bạn phải có những kỹ năng đa dạng để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Sau đây là những kỹ năng chuyên viên mua hàng.
1. Khả Năng Quản Lý Các Mối Quan Hệ
Sở hữu các mối quan hệ tốt đẹp chính là nền tảng tuyệt vời làm nên thành công cho hoạt động mua sắm hàng hóa. Các mối quan hệ ở đây bao gồm mối quan hệ với nhà cung cấp, với khách hàng và cả mối quan hệ với các bộ phận, phòng ban trong doanh nghiệp. Điều này góp phần đảm bảo chức năng mua sắm hàng hóa của bạn hoạt động nhuần nhuyễn để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu hàng hóa của doanh nghiệp.
Các mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp cần phải được hình thành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nghĩa là bạn cần nghiêm túc thực hiện những gì đã cam kết và duy trì sự minh bạch trong môi trường làm việc. Đảm bảo thực hiện đúng theo những gì bạn đã nói.
2. Kỹ Năng Đàm Phán Mạnh Mẽ
Các mối quan hệ tốt đẹp là nền tảng, nhưng kỹ năng đàm phán mạnh mẽ mới chính là yếu tố quan trọng mang lại giá trị thực cho doanh nghiệp của bạn. Bạn nên hiểu rằng thương lượng không chỉ là việc kiên trì tìm kiếm và nỗ lực để đạt được mục tiêu mà còn là việc hiểu và khám phá nhu cầu cũng như mục tiêu của đối tượng còn lại trong bất kỳ cuộc thảo luận nào.
Khả năng thấu hiểu người nói và nhận ra được lúc nào cần thỏa hiệp là một kỹ năng bạn nên rèn luyện mỗi ngày. Mỗi một cơ hội đàm phán đều là duy nhất, điều đó có nghĩa là bạn cần phải linh hoạt và nhanh chóng nắm bắt từng lợi thế để đạt được thành công khi đàm phán.
⇒ Vậy thế nào được cho là đàm phán thành công?
Một cuộc đàm phán thành công khi người mua thỏa thuận với người bán sao cho cả hai bên đều có lợi. Về phía người mua sẽ có được mức giá hợp lý với nguồn sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, trong thực tế đôi lúc chuyên viên mua hàng chiến lược vẫn phải có sự nhượng bộ nhất định trong đàm phán để có thể đạt được những kết quả dài hạn cho doanh nghiệp
3. Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian Hoàn Hảo
Khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong các khoảng thời gian phù hợp với doanh nghiệp là điều quan trọng giúp giảm thiểu thời gian chết và loại bỏ các yếu tố làm giảm năng suất. Sự phát triển của môi trường kỹ thuật số hiện đại và sự hỗ trợ của các công cụ mua sắm điện tử, mang đến cho chuyên viên mua hàng cơ hội làm giảm các vòng quay mua hàng và những việc gây mất thời gian cho việc kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, bạn vẫn phải quản lý các khoảng thời gian đó sao cho hiệu quả.
Đảm bảo các hồ sơ mua hàng được hoàn thành trong khoảng thời gian phù hợp, các yêu cầu mua hàng được thực hiện suôn sẻ qua các kênh phê duyệt bắt buộc và các nhu cầu đã đặt ra đều được đáp ứng. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp đảm bảo chức năng mua sắm của chuyên viên mua hàng mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.
4. Tư Duy Chiến Lược
Tư duy chiến lược thể hiện khả năng phân tích vượt trội để nhận ra các cơ hội hoặc các nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Để doanh nghiệp có thể giữ vững lợi thế cạnh tranh trong một thị trường năng động, chuyên viên mua hàng phải có khả năng cập nhật kịp thời những thay đổi của thị trường cung ứng cũng như có thể dự đoán được xu hướng nhu cầu hàng hóa và nhận biết rõ những điều này có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ra sao.
Một khía cạnh khác của tư duy chiến lược đó là khả năng phát triển và thích nghi với môi trường kinh doanh đa dạng và với bối cảnh văn hóa đa dạng. Điều này không những đảm bảo khả năng xây dựng các mối quan hệ với các đối tác quốc tế, mà còn cung cấp một phương pháp tư duy mới mẻ và linh hoạt trước các thay đổi không ngừng của thị trường.
5. Khả Năng Sắp Xếp Công Việc
Để thành công trong lĩnh vực mua hàng, bạn cần biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc cần làm. Điều này giúp bạn đánh giá đúng các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời còn giúp bạn, xác định được đâu là nhiệm vụ quan trọng, khẩn cấp cần thực hiện trước và đâu là nhiệm vụ ít quan trọng hơn, có thể thực hiện sau.
6. Chú Ý Các Chi Tiết
Một chuyên viên mua hàng không chỉ cần tập trung vào các chi tiết, mà còn phải phát hiện những vấn đề tiềm ẩn bên trong các chi tiết. Bởi vì, chỉ cần một chút khác biệt giữa các sản phẩm cũng có thể mang lại thành công hay đem đến sự thất bại cho doanh nghiệp.
7. Tính Kiên Trì Và Trung Thực
Là một chuyên viên mua hàng, bạn cần kiên trì tìm hiểu cho đến khi tìm thấy phương án phù hợp với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời bạn cần có đức tính trung thực khi làm việc trong lĩnh vực mua hàng. Tính kiên trì và trung thực khiến người khác thêm tin tưởng và tôn trọng bạn.
Quỳnh Như – Nguồn Tổng Hợp