PV GAS – HẾT LÒNG, HẾT SỨC PHỤNG SỰ TỔ QUỐC, PHỤC VỤ NHÂN DÂN

Ý tưởng về một ngành công nghiệp khí đã được hình thành từ đầu những năm 90 khi sản lượng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, nếu không đưa vào bờ để sử dụng sẽ phải đốt bỏ ngoài khơi. Do đó, ngày 20/09/1990, PV GAS được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt và với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.

I- Giới thiệu về PV GAS

Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP là đơn vị thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Sản phẩm:

  • Khí khô
  • Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)
  • Khí ngưng tụ (Condensate)
  • Khí thiên nhiên nén (CNG)
  • Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
  • Ống thép dầu khí

Dịch vụ:

  • Vận chuyển khí và các sản phẩm khí
  • Thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình khí
  • Dịch vụ kho cảng cho các dịch vụ xuất nhập khẩu khí
  • Cung cấp vật tư, thiết bị ngành khí
  • Bọc ống dầu khí (bọc chống ăn mòn, cách nhiệt, bê tông gia trọng)

1. Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)

Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS) không chỉ là nhà cung cấp LPG lớn nhất Việt Nam mà còn là doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trên thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm LPG của PV GAS được sản xuất tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố) và Nhà máy xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau), đáp ứng khoảng 30- 35% nhu cầu thị trường LPG Việt Nam. Ngoài ra PV GAS còn nhập khẩu LPG từ các nguồn quốc tế để cung cấp cho thị trường trong nước. Tổng nguồn cung LPG của PV GAS cho thị trường nội địa chiếm khoảng 65% thị phần cả nước.

LPG được cung cấp với khối lượng lớn từ kho cảng PV GAS Vũng Tàu và Cà Mau bằng tàu và phân phối đến các khách hàng khắp cả nước hoặc xuất bằng xe bồn đến các khách hàng trong khu vực lân cận.

LPG được sử dụng đa dạng trong công nghiệp cũng như dân dụng:

– Sử dụng làm nhiên liệu cho phương tiện vận tải. LPG cháy tốt hơn diesel hoặc xăng, vì vậy trên thế giới, LPG được sử dụng phổ biến làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải nhờ có hiệu năng tốt hơn và thân thiện với môi trường hơn.

– Sử dụng làm môi chất làm lạnh.

– Đầu vào cho công nghiệp hóa chất.

– Trong nông nghiệp, LPG được sử dụng để sấy khô nông sản.

– Sử dụng để sưởi ấm.

– Làm nhiên liệu trong nấu nướng.

– Sử dụng làm nhiên liệu trong công nghiệp.

– Sử dụng làm nhiên liệu để chạy turbine phát điện.

2. Khí khô

Khí khô được sử dụng rộng rãi trên thế giới làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, làm nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu để sản xuất phân đạm, chế biến hóa dầu (polypropylene, polyethylene, methanol…) và cung cấp cho khách hàng công nghiệp. Hiện nay, khí khô được sử dụng để sản xuất gần 35% sản lượng điện và 70% sản lượng phân đạm của cả nước và sẽ được sử dụng làm nguyên liệu cho các tổ hợp lọc hóa dầu trong tương lai gần.

Khí khô là một nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường. So với dầu và than đá thì khí khô khi cháy phát thải ra ít CO2 và NOx, là các nhân tố chính gây ra sự nóng lên toàn cầu và mưa acid. 

3. Khí ngưng tụ (Condensate)

Thành phần của condensate chủ yếu là các hydrocarbon no, bao gồm Pentane và các hydrocarbon nặng hơn (C5+). Tỷ trọng của condensate khoảng 562 đến 780 kg/m3 tại 15oC (50-120 oAPICondensate có thành phần tương tự phân đoạn nhẹ trong dầu thô và được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm như xăng, dầu hỏa (KO) diesel (DO), fuel oil (FO) hoặc làm dung môi công nghiệp. Condensate còn được sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình chế biến hóa dầu, sản xuất Olefine, BTX

 Tổng công ty Khí Việt Nam sản xuất condensate từ các nguồn khí Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau và Thái Bình tại các nhà máy xử lý Khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố), Nam Côn Sơn, Cà Mau (GPP Cà Mau) và Trạm phân phối khí Tiền Hải (GDC Tiền Hải). Từ nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Nam Côn Sơn, condensate được vận chuyển bằng đường ống đến kho cảng Thị Vải và sau đó phân phối đến các khách hàng; Từ Tiền Hải và Cà Mau: condensate được vận chuyển bằng xe bồn và tàu đến các khách hàng.

 

Hiện nay condensate ở Việt Nam chủ yếu được dùng để sản xuất nhiên liệu: LPG, Xăng, DO, FO và pha chế dung môi

4. Khí thiên nhiên nén (CNG)

Cũng như khí tự nhiên, CNG là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường vì khi sử dụng làm nhiên liệu giúp làm giảm đến 20% lượng CO2, 30% lượng NOx, 70% SOx so với các nhiên liệu từ dầu. Khi sử dụng trong động cơ, CNG cũng làm giảm đến 50% lượng hydrocarbon thải ra so sánh với động cơ xăng.

Do quá trính cháy xảy ra hoàn toàn, không gây đóng cặn trong thiết bị đốt và bộ chế hòa khí của các phương tiện nên CNG giúp nâng cao hiệu suất, kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng và tuổi thọ máy móc thiết bị. Giá thành CNG rẻ hơn xăng khoảng 10% đến 30% và có tính ổn định trong thời gian dài so với giá các sản phẩm dầu mỏ. Do vậy, ngày nay CNG được sử dụng rộng rãi trên thế giới làm nhiên liệu động cơ thay thế xăng, dầu.

5. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)

Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3.

Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

 

Ngoài ra, LNG có thể được chuyên chở bằng xe bồn, tàu hỏa, tàu ven biển có tải trọng từ 2,500-12,000 m3 đến những hộ tiêu thụ ở xa đường ống dẫn khí, các thị trường khu vực ven biển, các đảo ngoài khơi. 

6. Bình khí gas PV

Với nhiệm vụ được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Khí Việt Nam giao là sản xuất, kinh doanh sản phẩm bình ga với nhãn hiệu PetroVietnam, chức năng và lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty

Sản xuất vỏ bình gas mới loại 12kg và 45kg theo tiêu chuẩn DOT-4BA-240, DOT-4BW-240 và TCVN 6292-1997.

Sản xuất vỏ bình gas 0.6kg, lõi thép vỏ nhựa HDPE theo tiêu chuẩn DOT-4BA-240.

Sản xuất đệm van 3/4’’ – 14NGT theo tiêu chuẩn JIS G4051 S20C

Sửa chữa, bảo dưỡng và kiểm định các loại bình gas.

Kinh doanh vật tư, phụ kiện phục vụ cho công tác sửa chữa và tái kiểm định bình gas.

Mục tiêu xuyên suốt của Công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cung cấp tới người sử dụng sản phẩm bình gas có độ an toàn cao nhất, Công ty rất chú trọng chất lượng nguyên liệu đầu vào và được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa vào sản xuất, những nguyên liệu chính như: Thép, van, đệm van, dây hàn thuốc hàn đều được công ty nhập trực tiếp từ các công ty lớn ở nước ngoài như: Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc,… dây chuyền sản xuất đồng bộ khép kín từ khâu tạo phôi đến khâu thành phẩm với khả năng tự động hóa hơn 80%, các thiết bị chính được nhập khẩu từ các nước G7 (Nhật, Mỹ, …). 

Cùng với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, khẳng định vững chắc thương hiệu vỏ bình gas “PetroVietnam” trên thị trường hiện nay và được nhiều khách hàng trong nước, công ty liên doanh hợp tác.


7. Ống thép

PV PIPE sử dụng nguyên liệu thép tấm và vật tư hàn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thông số kỹ thuật của sản phẩm. Sử dụng phương pháp uốn tròn trên 3 trục (3-RollBending) để lốc tròn ống, hàn bằng phương pháp hàn hồ quang chìm hiện đại (hàn SAWL) sau đó sẽ được nong thành ống thành phẩm.

Đặc biệt PVPIPE cũng cấp các sản phẩm với kích thước và tiêu chuẩn linh động tùy theo yêu cầu của khách.

8. Thu gom khí

Thông qua các công ty trực thuộc và công ty con, PV GAS tiến hành thu gom khí trên phạm vi toàn quốc và đang từng bước tham gia vào các dự án thu gom và mua khí quốc tế.

Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ (KĐN) đang đảm nhiệm việc vận hành hệ thống đường ống dẫn khí từ các mỏ dầu khí thuộc bể Cửu Long và tiếp nhận khí từ hệ thống khí Nam Côn Sơn được vận hành bởi công ty điều hành đường ống Nam Côn Sơn (do PV GAS chiếm cổ phần chi phối) để phân phối cho các hộ tiêu thụ khí, bao gồm các nhà máy điện tại Bà Rịa, Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Hiệp Phước (TP.HCM), nhà máy Đạm Phú Mỹ và các nhà máy khác trong các khu công nghiệp thuộc khu vực Đông Nam Bộ. 

Ngoài ra, Công ty còn vận hành hệ thống thu gom khí từ mỏ Thái Bình về khu công nghiệp Tiền Hải cấp trực tiếp cho các khách hàng tại khu công nghiệp và vận chuyển bằng xe bồn đến các khách hàng tại các tỉnh lân cận trong khu vực Bắc Bộ. Đây là những bước quan trọng đầu tiên của PV GAS trong việc phát triển thị trường khí cho các hộ tiêu thụ khí tại khu vực miền Bắc.

9. Nhập khẩu khí

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí ngày càng tăng và bổ sung nguồn cung cấp khí trong tương lai khi sản lượng khai thác từ nguồn cung trong nước sụt giảm, PV GAS đang triển khai các dự án nhập khẩu LNG như sau:

– Cảng nhập và tái hóa khí LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải (Kho LNG Thị Vải)

Kho cảng LNG Thị Vải với công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm nhập khẩu LNG và cung cấp khí tái hóa cho các hộ tiêu thụ khí với tổng mức đầu tư 285,8 triệu USD; dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong giai đoạn 2019-2020. Khách hàng mục tiêu của dự án là các hộ công nghiệp và các nhà máy điện độc lập tại khu vực Đông Nam Bộ.

– Cảng nhập và tái hóa khí LNG 3-6 triệu tấn/năm tại Sơn Mỹ (Kho LNG Sơn Mỹ)

Đây là dự án thành phần quan trọng của Tổ hợp khí – điện tại Sơn Mỹ, Bình Thuận được triển khai theo 3 giai đoạn.

10. Vận chuyển và phân phối khí

Hiện tại, các hệ thống đường ống vận chuyển khí của PV Gas bao gồm:

10.1. Hệ thống vận chuyển và phân phối khí Cửu Long

Khí từ các mỏ được thu gom đến giàn nén khí trung tâm (CCP) rồi được nén với áp suất cao để chuyển tải qua đường ống ngầm duới biển để đưa về trạm tiếp bờ tại Long Hải, và đưa vào xử lý tại nhà máy xử lý khí Dinh Cố (GPP). Khí khô (đầu ra) tại GPP được vận chuyển bằng đường ống tới Bà Rịa, Phú Mỹ để phân phối tới các hộ tiêu thụ.

Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, ngoài chức năng tiếp nhận khí đồng hành từ hệ thống khí Bạch Hổ, còn có chức năng tiếp nhận khí từ hệ thống khí Nam Côn Sơn để phân phối tới khách hàng.

10.2. Hệ thống vận chuyển và phân phối khí Nam Côn Sơn

10.3. Hệ thống vận chuyển và phân phối khí PM3 – Cà Mau

Hệ thống vận chuyển khí PM3 – Cà Mau, được vận hành từ năm 2007, có đường ống dài 330 km với công suất 2 tỉ m3/năm gồm có đường ống ngoài khơi dài 300 km vận chuyển khí được khai thác từ các Lô PM3-CAA & Lô 46 Cái Nước, và đường ống trên bờ dài 30 km đưa khí về  Trung tâm phân phối khí Cà Mau .

Trung tâm phân phối khí Cà Mau  có nhiệm vụ tiếp nhận khí từ hệ thống khí PM3 và Lô 46 Cái Nước để phân phối tới các hộ tiêu thụ là Nhà máy Điện Cà Mau 1, Nhà máy điện Cà Mau 2 và Nhà máy Đạm Cà Mau.

11. Chuyển đổi động cơ thành động cơ chạy khí

CNG là nhiên liệu thân thiện với môi trường, chiếm thể tích chỉ bằng 1/200 so với khí thiên nhiên ở điều kiện bình thường, nên khá thuận tiện để chuyên chở.

Hiện nay, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ chuyển đổi động cơ thành động cơ chạy khí cũng như cung cấp CNG làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải trong nước. Tính đến nay đã có hơn 250 phương tiện giao thông vận tải được chuyển đổi động cơ thành động cơ chạy CNG trên hai địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Để phục vụ cho các phương tiện chạy bằng nhiên liệu CNG, đã có 4 trạm nạp CNG được xây dựng: Ba trạm tại TP.HCM (Trạm số 2 Phổ Quang, Tân Bình; Trạm 220 Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh và Trạm Tân Kiên, Bình Chánh) và một trạm tại 449 Nguyễn An Ninh – Vũng Tàu.

CNG cũng đang được ứng dụng làm nhiên liệu cho cho xe buýt của TP.HCM. Theo Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh, việc chuyển đổi các xe buýt chạy xăng sang sử dụng CNG sẽ được thực hiện bằng 3 phương pháp, đó là: lắp thêm bộ chuyển đổi; thay thế bằng động cơ CNG và đầu tư mua mới xe buýt sử dụng CNG. Hiện tại, đã có 28 chiếc xe buýt sử dụng CNG được nhập về từ Hàn Quốc do Công ty Xe khách Sài Gòn và Liên hiệp HTX Vận tải TP quản lý và vận hành.

Như vậy, có thể thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai gần.

12. Dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị công trình khí

Dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị công trình Khí là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà PV GAS đảm nhiệm, phục vụ lợi ích của ngành Công nghiệp Khí, tiết kiệm ngân sách nhà nước, giữ gìn và phát huy hiệu quả của các công trình Khí trong toàn quốc.

Đơn vị thực hiện trực tiếp: Công ty Dịch vụ Khí, đơn vị trực thuộc PV GAS.

Vận chuyển và phân phối khí
Chuyển đổi động cơ thành động cơ chạy khí

13. Dịch vụ ống

– Dịch vụ bọc chống ăn mòn

–  Bọc bê tông gia trọng

–  Bọc cách nhiệt

–  Bọc bend & fitting

– Bọc mối nối

II - Bản sắc văn hóa Petrovietnam

Thương hiệu PetroVietnam

Có thể khẳng định, thành tựu to lớn nhất của Petrovietnam cho đến nay, là đã đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ kỹ thuật – công nghệ cao. Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỉ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỉ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới. Từ đó, các cơ sở hạ tầng dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao được hình thành, tiệm cận trình độ quốc tế để hỗ trợ các hoạt động thăm dò khai thác kinh tế biển quy mô và tầm cỡ khu vực, chế tạo và xây lắp các giàn khoan, phát triển nhiều công trình khoa học và ứng dụng công nghệ giá trị lớn, có nhiều công trình nhận được các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà Nước…

Với sự phát triển đồng bộ của chuỗi công nghiệp dầu khí, Petrovietnam đã trở thành hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi, Vũng Áng – Hà Tĩnh, Nghi Sơn – Thanh Hóa… Sự đầu tư đồng bộ đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước. Những dự án, công trình mang tầm cỡ khu vực là minh chứng rõ ràng cho trình độ, năng lực của cán bộ, kỹ sư, người lao động dầu khí Việt Nam, là tiền đề quan trọng nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.


Trên con đường phát triển của mình, Petrovietnam đã xây dựng và tích lũy được nguồn lực mạnh và chất lượng cả về vốn, thiết bị công nghệ, đặc biệt nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ, nhiều năm kinh nghiệm trong điều hành và quản lý các hoạt động dầu khí an toàn, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế. Sự phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ, chiều rộng cũng như chiều sâu, từ trong nước vươn ra nước ngoài mang lại hiệu quả ở nhiều mặt và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước, ngân sách nhà nước, nâng cao vị thế khu vực và quốc tế của Petrovietnam; xây dựng “Văn hóa Petrovietnam” và “Thương hiệu Petrovietnam” có uy tín trên thị trường nội địa và quốc tế, khẳng định vai trò của một Tập đoàn kinh tế chủ lực.

Bản lĩnh vượt khó

Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập, Petrovietnam vừa phải tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí (có thời điểm xuống -37 USD/thùng). Tuy nhiên, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm đối với đất nước, mọi kết quả hoạt động đều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách, Petrovietnam đã có những hành động quyết liệt, kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Gói giải pháp ứng phó khủng hoảng kép đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, bằng định hướng và phương châm chỉ đạo xuyên suốt: “Quản trị biến động, Tối ưu giá trị, Đẩy mạnh tiêu thụ, Nỗ lực vượt khó, Nắm bắt cơ hội, An toàn về đích”. Kết quả, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng năm 2020. 

Bước sang năm 2021, khi cả đất nước một lần nữa đứng trước cơn khủng hoảng bởi đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước đến nay. 10 tháng đầu năm 2021, trong tình hình các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD) song song với phòng chống dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi tính cấp bách ngày càng nhiều, nhưng nhờ có sự chủ động, thống nhất trong triển khai, thực hiện, đặc biệt áp dụng nghiêm túc 5K và chiến lược tiêm vắc-xin kết hợp với chăm lo sức khỏe, tăng sức đề kháng cho người lao động, phát huy nét đẹp văn hóa Petrovietnam trong mọi hoạt động đã giúp công tác triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam với khối lượng công việc lớn đã được triển khai đều khắp trong toàn Tập đoàn, góp phần tạo sự chuyển biến trong hoạt động SXKD; trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu tài chính toàn Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.  

Với nỗ lực cao của cả hệ thống cùng với phát huy kinh nghiệm, hiệu quả công tác quản trị, linh hoạt trong điều hành, có sự chuẩn bị và bắt nhịp tốt với thị trường, trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Đặc biệt, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với Petrovietnam. Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu; kết quả khai thác dầu thô tháng 10 vượt 6,6% kế hoạch tháng 10, tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng. Từ đó, Petrovietnam đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu NSNN 10 tháng đầu năm là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp tục được Fitch Ratings duy trì mức xếp hạng tín dụng độc lập ở mức BB+; 5 năm liền trong top 5 Profit 500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam…. Trong đó, VHDN được coi là một trong những giải pháp đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn và các đơn vị qua việc triển khai được thực hiện một cách hệ thống, nghiêm túc với sự đồng thuận cao của CBCNV cũng như ý chí của lãnh đạo.

Tự hào văn hóa Petrovietnam

Có thể khẳng định, “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” đã trở thành một trong những giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn và các đơn vị. Trong 10 tháng đầu năm 2021, công tác triển khai VHDN với khối lượng công việc lớn vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc với sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và CBNV trong toàn Tập đoàn. Hầu hết các đơn vị thành viên Petrovietnam đã lựa chọn những nội dung cụ thể, có sự liên kết giữa các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện để tác động đến nhận thức, tạo nên sự chuyển biến hành vi tích cực của người lao động. Song song đó, việc triển khai thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương- Sáng tạo – Hiệu quả” đã tạo được bước đột phá trong thực hiện tái tạo văn hóa Petrovietnam. Việc thực hiện nội dung phương châm hành động kết hợp với công tác tuyên truyền kịp thời đã tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng từ cán bộ, đảng viên, hội viên, người lao động đến cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, người lao động toàn Tập đoàn cùng hướng đến hoàn thành mục tiêu chung: Vượt mọi khó khăn trong đại dịch Covid -19 hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Với các giá trị bản sắc văn hóa Dầu khí được xây dựng, hình thành và hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử phát triển Petrovietnam, đến nay, văn hóa Petrovietnam không còn là một điều gì đó mơ hồ, tách biệt với hoạt động SXKD của doanh nghiệp, đã trở thành một phần không thể thiếu, gắn với mọi hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả, uy tín, giá trị thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, là động lực để xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Petrovietnam trong thời kỳ mới.

 Mỗi thành viên của đại gia đình Petrovietnam đều thấu hiểu, trân trọng, gìn giữ những giá trị tinh túy nhất của văn hóa dầu khí, coi đó là lẽ sống, là kim chỉ nam cho mỗi hành động để người dầu khí luôn được nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu. Người lao động dầu khí, là học viên, công nhân, kỹ sư, hay các giảng viên, cán bộ, chuyên gia,… trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi nhìn lên biểu tượng ngọn lửa Petrovietnam đều cảm thấy trái tim rung động, những cảm xúc tự hào, trân trọng, trách nhiệm trào dâng. Đó chính là giá trị tinh thần rất quan trọng của người lao động Dầu khí, tinh thần của văn hóa Petrovietnam./.

 

— Ngọc Quỳnh—