NGÀY HỘI VĂN HÓA THỂ THAO DU LỊCH- SỰ KIỆN SẮP ĐƯỢC DIỄN RA VÀO THÁNG 7-2023 TẠI THÀNH PHỐ BIỂN QUY NHƠN

Bình Định may mắn là mảnh đất miền Trung sở hữu hệ thống lễ hội phong phú, bao gồm cả lễ hội tập tục, lễ hội làng nghề, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo… Các loại hình lễ hội này vốn tồn tại lâu đời và trở thành tài sản vô cùng quý giá của Bình Định trong việc giáo dục, bồi dưỡng tinh thần cho con cháu thế hệ sau. Những con người ở đây, hôm nay vẫn cùng nhau gìn giữ và phổ biến đến du khách khắp nơi trong nước và thế giới.

Ngày hội Văn hóa- thể thao du lịch tỉnh Bình Định được diễn ra vào tháng 7 năm 2023 bao gồm các nội dung biểu diễn các hoạt động văn hóa, thể thao,  là hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa truyền thống của khu vực miền Trung. Qua đó khai thác các tiềm năng du lịch có hiệu quả và thu hút du khách góp phần phát triển du lịch  miền Trung.

 

Hệ thống lễ hội ở Bình Định

Lễ hội làng nghề là nơi để tìm về tinh hoa các nghề truyền thống của miền đất võ. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh nghề quý của nhân dân địa phương đồng thời thể hiện ước vọng của người Bình Định về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp thế hệ sau thể hiện sự tự hào và ghi nhớ công ơn của các bậc tổ nghề đã tạo nên nghề quý. Bình Định có các lễ hội làng nghề như: Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh, lễ hội cầu ngư của cư dân vạn chài Nhơn Hải…

Lễ hội lịch sử ở Bình Định thường do nhà nước tổ chức nhằm ôn cố tri tân, nhắc nhở thế hệ sau về công lao vĩ đại của cha anh trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trải qua trường kỳ lịch sử, các lễ hội lịch sử vẫn luôn là hoạt động cộng đồng hấp dẫn và thu hút nhiều tầng lớp dân cư. Những lễ hội lịch sử tiêu biểu như: Lễ hội Đống Đa, lễ hội kỷ niệm chiến thắng đèo Nhông, Dương Liễu,

Lễ hội tôn giáo ở Bình Định khá phong phú với nhiều hoạt động diễn ra liên tục trong năm. Tham gia các lễ hội tôn giáo không chỉ người dân có đạo mà quy tập cả cộng đồng. Lễ hội tôn giáo góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân địa phương đồng thời nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, đạo đức của con người. Các lễ hội tôn giáo tiêu biểu như: Lễ hội chùa ông Núi, lễ hội chùa bà Nước mặn, Lễ hội thường niên như Nô-en, Phật đản, Vu lan…

Trao gửi ước vọng cuộc sống viên mãn về vật chất lẫn tinh thần, lễ hội ở Bình Định vẫn là nơi quy tụ đông đảo nhân dân và du khách bốn phương. Theo thời gian, hệ thống lễ hội ở miền đất võ vẫn luôn được gìn giữ và phát huy nhiều giá trị trong nhiều hoạt động của đời sống, trong đó có du lịch.

Các lễ hội tiêu biểu phục vụ du lịch ở Bình Định

Lễ hội Đống Đa
Hòa trong không khí mùa xuân ấm áp đất trời, người dân Bình Định và du khách thập phương nô nức trẩy hội Đống Đa, Tây Sơn. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mùng 4, mùng 5 tháng Giêng tại bảo tàng Quang Trung, thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, tỉnh Bình Định. Lễ hội được tổ chức trên mảnh đất quê nhà của Quang Trung, Nguyễn Huệ nhằm tưởng nhớ chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn trước 2 vạn quân Thanh. Lễ hội Đống Đa từ lâu đã trở thành nơi vui chơi đầu năm của người dân địa phương và cả du khách có dịp đến Bình Định trong dịp xuân về. Trong dòng người nô nức kéo về lễ hội ấy, đa số họ đều có chung một niềm tự hào về lịch sử ông cha và cùng ao ước cho trang sử hào hùng ấy sẽ được viết tiếp ở thế hệ tiếp sau.
Lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi
Trên khúc sông Gò Bồi, quê hương của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, thuộc thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định, vào ngày mùng 2 tết hàng năm luôn sôi động, rộn ràng đón du khách gần xa đến với lễ hội đua thuyền truyền thống. Lễ hội đua thuyền được tổ chức nhằm cầu mong một năm đi biển bội thu, thuận lợi, bình an cho ngư dân, thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, thượng võ của người dân Bình Định. Lễ hội đã mang đến niềm vui, gửi gắm những bài học có giá trị cho tất cả mọi người tham gia, từ người thi đến người xem.
2
Lễ hội chùa Bà Nước Mặn
Chùa Bà Nước Mặn là một trong những ngôi chùa lâu đời ở mảnh đất miền Trung này. Hàng năm, đến 29 tháng Giêng, âm lịch, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định lại tưng bừng khai hội chùa Bà. Du khách thập phương đổ về đây để tham dự lễ hội gắn liền với sự hình thành đô thị Nước Mặn, cầu mong một năm mới bình an, phước lành. Du khách đến lễ đều truyền tụng nhau về sự linh thiêng của ngôi chùa. Đặt biệt đối với những người muốn cầu phúc thừa tự. Lễ hội chùa Bà luôn thu hút vô cùng đông đảo du khách. Trải qua thời gian, lễ hội chùa Bà là nơi gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa lâu đời từ thế hệ trước đến thế hệ sau.
3
Lễ hội làng Rèn Tây Phương Danh
Làng Phương Danh nằm ngay tại trung tâm thị trấn Đập Đá. Cách Quy Nhơn khoảng 25 km về hướng Bắc. Nếu có dịp đến làng nghề vào dịp hội làng ngày 12/12, bạn sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội. Lễ hội làng rèn là nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của một làng nghề truyền thống với tuổi đời hơn 300 năm này.
4
Lễ hội Chợ Gò
Lễ hội Chợ Gò diễn ra hàng năm vào sáng sớm mùng một Tết Nguyên đán, tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Để nhân dân vui chơi, binh lính thư giãn sau tháng ngày vất vả chiến tranh, hoàng đế Quang Trung ra chỉ dụ mở hội vui xuân. Lễ hội Chợ Gò được tổ chức tại bãi đất trống rộng dưới chân núi Trường Úc. Phiên chợ diễn ra từ sáng sớm với nhiều gian hàng bán các sản vật của địa phương như vôi, muối, cá, tôm, cau trầu… Người bán người mua đều không mặc cả, chèo kéo… Phiên chợ diễn ra trong không khí yên tĩnh, thiêng liêng cùng niềm tin về những điều may mắn sẽ đến trong năm mới. Lễ hội Chợ Gò là nét văn hóa đặc sắc của người dân đất võ, đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xếp vào "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam".
5
Lễ hội cầu ngư
Ở hầu hết các địa phương ven biển của Bình Định đều có lễ hội cầu ngư. Nhằm cầu mong một năm đi biển yên bình, sung túc, vào dịp đầu năm người dân vạn chài Bình Định đều hoan hỉ, trang trọng tổ chức lễ hội. Lễ hội diễn ra ở lăng ông Nam Hải, nơi cải táng, thờ cúng vị thần biển, Đức ông cá voi. Bình Định có khoảng 15 lăng ông, nơi hàng năm quy tụ đông đảo ngư dân đến kính lễ. Lễ hội gồm hai phần: Lễ nghinh và khởi ca. Lễ nghinh trang trọng rước Đức ông cùng những vong linh chết biển, chết sông về nơi yên nghỉ. Khởi ca gồm các hoạt động múa hát bả trạo, đua thuyền, bơi lội… Hiện nay, ở phường Hải Cảng, Trần Phú, xã Nhơn Hải, xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn), Đề Gi (Mỹ Thành, Phù Mỹ)… người dân đi biển vẫn duy trì lễ hội hàng năm với niềm tin thiêng liêng, bất biến.
6
Múa “Vũ điệu Chămpa”
Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo.
7
Hát hò đối đáp “Ai về Bình Định mà coi”
Ca cảnh Hát hò đối đáp “Ai về Bình Định mà coi” ca ngợi, quảng bá vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và con người Bình Định; mừng quê hương, đất nước tươi đẹp trở lại sau đại dịch Covid-19 với nhiều làn điệu hò phong phú như: Xuân nữ, Hò quảng, Hò hê, Sắc bùa, Lô tô… thường biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ, hội… Tác giả: Nghệ sỹ Ưu tú Tấn Hào. Biểu diễn: Các nghệ sỹ: Bích Lĩnh, Hồng Diễm, Võ Nương, Thành Việt, Chí Cường, Trung Hiếu.
8
Tiết mục biểu diễn Võ thuật “Tây Sơn bước chân hào kiệt”
Cùng với hát Bội, Bài chòi, Võ cổ truyền Bình Định đã ăn sâu vào trong máu thịt của từng người dân Bình Định. Trải qua hàng trăm năm kế thừa và phát triển, võ cổ truyền Bình Định trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, Võ cổ truyền Bình Định đã lan tỏa đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bình Định được mệnh danh là vùng đất võ xứ văn chương, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, nơi phát tích của triều đại Tây Sơn với nhiều chiến công hiển hách, để viết nên những trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tiết mục võ thuật đặc sắc này giúp quý khán giả có dịp sống lại những chặng đường lịch sử hào hùng của những người con đất Việt.
9
Nghệ thuật bài chòi Bình Định
Rủ nhau đi đánh bài chòi Cho nên con khóc mà lòi rún ra Rún ra thì mặc rún ra Ta đi cho tới canh ba ta về Đây là những câu hát hồn nhiên dí dỏm của con trẻ từ nhiều năm nay, đã trở nên quen thuộc với người dân ở khắp làng quê duyên hải Nam Trung Bộ. Ở đây người ta ru con bằng bài chòi, giảng dạy nhau bằng những câu khai y nhị, nhẹ nhàng cho nên không lấy làm lạ khi trẻ em vùng này lên ba đã thuộc nằm lòng những bài ca vần điệu của nghệ thuật bài chòi. Bài chòi có ý nghĩa văn hóa quan trọng trong đời sống của cư dân miền Trung từ xa xưa đến nay, đặc biệt là Bình Định. Là cái nôi sản sinh ra nghệ thuât bài chòi, dân ca bài chòi dường như đã ngắm vào máu thịt của người Bình Định. Đây là một thú vui tao nhã của người dân Bình Định mỗi dịch tết đến xuân về. Người ta dựng các chòi bằng tre giống như những cái chòi canh, lợp mái bằng lá dừa. Thông thường sẽ có có từ 9 đến 11 chòi xếp thành hình chữ U. Người chơi bài chòi sẽ mua thẻ bài và ngồi trên những cái chòi để ngồi nghe anh chị Kiệu hô khai chữ. Ai cầm trên tay đứng những thẻ bài mà anh chị Kiệu hô sẽ là người chiến thắng. Họ sẽ nhận được phần thưởng là là cờ, ly rượu, tiền và câu hát chúc mừng.
10

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động văn hoá và thể thao tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành phục vụ du lịch góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy các loại hình di sản văn hoá tiêu biểu của tỉnh nhà.  Đồng thời, thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ lần này, tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hoá, thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân sau những ngày lao động mệt nhọc; là nơi tham quan, vui chơi, giải trí của du khách gần xa khi đặt chân đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian đến.

Tổng Hợp: Phan Vy