Playback speed:
LIÊN HOAN QUỐC TẾ VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM LẦN THỨ VIII ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI BÌNH ĐỊNH
Dự kiến Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII sẽ có một số hoạt động tiêu biểu như: Lễ Dâng hoa, Dâng hương tại Đài Kính Thiên – Bảo tàng Quang Trung huyện Tây Sơn; Giao lưu, biểu diễn kết hợp tham quan tại các lò võ, di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch của tỉnh (Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Chiến Thắng, Đền Thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng, Linh Phong Thiền Tự – Chùa Ông Núi, Chùa Thiên Hưng và Chùa Long Phước) và Triển lãm ảnh về hoạt động của các võ đường, võ phái trong nước và trên thế giới.
Đặc biệt trong dịp này, tỉnh Bình Định cũng được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn để đăng cai tổ chức Giải Vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ III năm 2023 cùng Đại hội Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II năm 2023
Hình ảnh Lễ Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần VII. Ảnh: Báo Nhân dân
Được biết, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII – Bình Định năm 2023 là một hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu với bạn bè quốc tế về quê hương, đất nước, con người Bình Định.
Liên hoan không chỉ giới thiệu về Võ cổ truyền mà còn có các chương trình giới thiệu, quảng bá các giá trị truyền thống lịch sử, các danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử nhằm tạo ấn tượng sâu sắc về Miền Đất võ với du khách và bạn bè quốc tế đến tham dự Liên hoan.
Đây cũng là cơ hội để các đoàn võ thuật trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về công tác bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Việt Nam nói chung và Võ cổ truyền Bình Định nói riêng ở trong nước và trên thế giới, tiến đến xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH: HÀNH TRÌNH MỘT DI SẢN
Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, Võ cổ truyền Bình Định phát triển, lan tỏa rộng khắp, là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc và là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Bình Định, đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân.
Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, từ đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.Vua Lê Thánh Tông đã cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, nhà Lê muốn bình định vùng đất này lâu dài để nhân dân có cuộc sống yên ổn, phát triển mọi mặt. Các võ tướng, võ quan của triều đình đã ở lại đây sinh sống và truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng và người bản địa, từ đó vùng đất Bình Định trở thành nơi có nhiều người tinh thông võ thuật.
Đến thời Tây Sơn ở thế kỷ XVIII, Võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô trước đây chưa có. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy và hình thành diện mạo mới của Võ cổ truyền Bình Định. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, di sản Võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy.
Nhằm tôn vinh những giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa của Võ cổ truyền Bình Định, năm 2012, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng cho Võ cổ truyền Bình Định, đó không chỉ là niềm tự hào, tạo đà đưa di sản quốc gia lên tầm quốc tế, mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.
Nguồn Báo Bình Định