BÌNH ĐỊNH GHI ĐIỂM VỚI CẶP RỒNG PHỤ, LINH VẬT RỒNG CHÍNH VẪN CHƯA XUẤT HIỆN

Cụm linh vật rồng trang trí Tết Giáp Thìn ở Bình Định chưa đầy đủ, rồng chính chưa xuất hiện, nhưng 2 rồng phụ đã khiến người dân Bình Định mê mẩn, khen ngợi.

Dù mới xuất hiện linh vật rồng phụ nhưng người dân Bình Định vô cùng thích thú, khen ngợi hết lời 

Phải đến ngày 1-2, cụm linh vật rồng trang trí Tết Giáp Thìn 2024 của tỉnh Bình Định mới hoàn thiện và khánh thành tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), nhưng sự xuất hiện của 2 chú rồng phụ những ngày qua đã khiến người dân tỉnh này vô cùng thích thú.

CẶP LINH VẬT PHỤ Ở BÌNH ĐỊNH

Sáng 28-1, tại khu trưng bày linh vật của Bình Định tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, các công nhân vẫn đang gấp rút hoàn thiện những chi tiết cho các linh vật rồng.

Khu trưng bày có chiều dài khoảng 105m, chiều rộng gần 40m.

Nhiều người dân tò mò đến ngắm từ xa và tỏ ra thích thú khi 2 linh vật rồng phụ vừa dựng lên  trong khu trưng bày.

Mỗi linh vật rồng phụ có chiều dài khoảng 10m, được điêu khắc, trang trí tỉ mỉ và vô cùng rực rỡ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ở TP Quy Nhơn) cho biết: “Nhìn 2 con rồng này, tôi vô cùng thích. Tư thế, phong thái rất uy nghiêm, tươi vui và đẹp.

Ngoài ra, các nghệ nhân điêu khắc cũng quá tuyệt vời khi trang trí, vẽ màu cho rồng rất rực rỡ. Tôi không thể rời mắt khi nhìn thấy 2 linh vật này”.

Còn anh Nguyễn Mạnh Hùng (ở huyện Tuy Phước) cho rằng dù chỉ mới được nhìn thấy linh vật rồng của Bình Định qua mạng xã hội nhưng anh vô cùng ấn tượng.

“Dù chỉ mới là 2 linh vật rồng phụ nhưng tôi rất thích.

Các nghệ nhân đã không làm chúng tôi thất vọng, trái lại ai cũng thấy tự hào về “rồng Bình Định”: dũng mãnh, mạnh mẽ, màu sắc giống như nghệ sĩ tuồng, mang đủ phong thái của xứ “đất võ, trời văn” này”, anh Hùng nhận xét.

Trong khi đó, anh Trần Văn Cường (ở Quy Nhơn) háo hức: “Rồng phụ đã đẹp, rồng chính chắc còn đẹp nhiều hơn nữa. Tôi nôn nao chờ đến ngày khánh thành để chiêm ngưỡng”.

LẤY CẢM HỨNG TỪ TRUYỀN THUYẾT CỦA DÂN TỘC

Ông Tạ Xuân Chánh – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định – cho biết biểu tượng linh vật đón Tết Giáp Thìn 2024 của tỉnh Bình Định năm nay gồm 3 linh vật rồng (2 rồng phụ nhỏ và 1 rồng chính lớn) và cụm các tiểu cảnh.

Biểu tượng linh vật năm nay của Bình Định có chủ đề “Tự hào truyền thống Cha Rồng – Mẹ Tiên” dựa trên truyền thuyết dân gian Việt Nam về Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Đây là truyền thuyết trăm trứng nở trăm con như một niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng và truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam với khát vọng vươn lên của đất nước và quê hương Bình Định.

“Trên mình rồng chính sẽ có các biểu tượng của dân tộc: chim Lạc, trống đồng…

Vẻ uy nghiêm và rực rỡ của linh vật rồng – Ảnh: LÂM THIÊN

Màu sắc của những linh vật này mang hơi thở của những nét văn hóa tiêu biểu của Bình Định: hát bội, bài chòi…

Ngoài ra, xung quanh 3 linh vật rồng còn có những tiểu cảnh cha Rồng mẹ Tiên đẻ ra trăm trứng nở thành trăm con, 50 xuống biển, 50 lên non.

Bên cạnh đó, sẽ có những không gian bố trí các thành tựu tiêu biểu về sự phát triển của Bình Định” – ông Chánh nói.

Điểm đặc biệt của biểu tượng linh vật Bình Định năm 2024 là nhìn từ trên cao, toàn bộ cụm tiểu cảnh linh vật nhìn giống như một chiếc đầu rồng biết phun khói, đầy màu sắc và âm thanh sôi động. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với các linh vật mọi năm.

Cụm linh vật của tỉnh Bình Định dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 1-2, trưng bày đến ngày 18-2 (ngày 22 tháng chạp năm Quý Mão đến mùng 9 tháng giêng năm Giáp Thìn).

Được lấy ý tưởng từ truyền thuyết dân gian

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, ngoài các cụm biểu tượng chính, biểu tượng phụ, cụm linh vật đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Bình Định còn có 2 bộ chữ ở 2 bên đường vào ở mặt chính diện.

Tất cả được sắp đặt đan xen cùng với khoảng 45.000 chậu cây cảnh, hoa, lá các loại… kết hợp cùng kỹ thuật phun hơi nước và hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng sẽ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt độc đáo trong dịp xuân Giáp Thìn 2024.

Nguồn: Sưu Tầm