CẢNH BÁO: BÃO GÂY MƯA CỰC LỚN CHO KHU VỰC MIỀN TRUNG
Chuyên gia khí tượng nhận định, có khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão gây mưa cực lớn cho khu vực miền Trung.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, hiện nay, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh cấp 6 ở trên khu vực giữa Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Dự báo trong 24h tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất khoảng 60%, mạnh cấp 8 giật cấp 10.
“Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung dự báo ATNĐ sẽ có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển hướng về bờ biển miền Trung nước ta. Dự báo trong 24h tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển chậm, có thể đạt cường độ cấp 8, giật cấp 10 khi đi vào khu vực Quảng Nam – Bình Định trong khoảng sáng 15/10. Ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vùng mây đối lưu gây mưa to nằm ở phía tây của vùng tâm ATNĐ nên dù tâm ATNĐ còn cách xa đất liền những mưa đã xuất hiện từ chiều 13/10” ông Hoàng Phúc Lâm nhận định
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m.
Các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão hoàn lưu ATNĐ/bão, cường độ gió mạnh nhất có thể lên tới cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m. Từ chiều 14/10 vùng ven biển Quảng Trị-Ninh Thuận có gió cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m.
Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng do gió mạnh cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp vào nửa đêm và sáng sớm 15-16/10. Toàn bộ tàu, thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ chịu tác động của gió giật mạnh, sóng lớn và triều cường.
Trên đất liền: Từ chiều tối 14/10, khu vực ven biển đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Từ chiều tối và đêm 13/10, ATNĐ sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên, cao điểm đợt mưa tập trung trong 2 ngày 14 và 15/10
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, khả năng cao nhất (với xác suất xảy ra khoảng 70-80%) xảy ra trong trường hợp áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực Trung Trung Bộ, tồn tại khoảng 1 ngày, gió Đông hoạt động mạnh, không khí lạnh cường độ trung bình.
Khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 600mm. Trong tâm mưa là: Thừa Thiên Huế- Bình Định.
Khả năng thấp hơn nhưng gây mưa nhiều hơn (xác suất xảy ra khoảng 10-15%): Khi ATNĐ di chuyển chậm hướng về miền Trung tĩnh lại, ít di chuyển, không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh hơn.
Mưa sẽ lớn hơn, khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng lượng mưa lượng mưa có thể lên tới 400-700mm.
Khả năng thấp hơn và gây mưa ít hơn (xác suất xảy ra khoảng 10-15%): ATNĐ di chuyển gần vào đất liền sau dịch chuyển ra ngoài biển và suy yếu, gió Đông và không khí lạnh đều hoạt động yếu.
Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to tổng lượng mưa lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nền lũ hiện nay trên hầu hết các sông ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ đang ở mức cao, các hồ chứa đang điều tiết vận hành để đón lũ trong đợt mưa từ 14-16/10. Tuy nhiên, dung tích cắt lũ các hồ thủy điện không còn nhiều.
Dự báo ATNĐ sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 200-500mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực trũng thấp, đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, đặc biệt nguy cơ ngập lụt sâu tập trung chính các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Thừa Thiên Huế có 4 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 7 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 7 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu phổ biến từ 0,3-0,6m.
Trong đợt mưa lớn từ 9-11/10/2022, nhiều huyện miền núi ở Trung Bộ đã có mưa rất lớn, có nơi đạt 400-600mm. Trong đợt mưa này, mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại khu vực trung du và miền núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao như Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang (Quảng Nam); Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).